ỨNG DỤNG BÀI THUỐC TIÊU DAO TÁN ĐIỀU TRỊ CHỨNG RỐI LOẠN THẦN KINH THỰC VẬT, SUY NHƯỢC THẦN KINH, HỘI CHỨNG MÃN KINH Ở PHỤ NỮ.
Bệnh nhân từ độ tuổi 40-60 được chẩn đoán hội chứng mãn kinh. Ở giai đoạn này có khoảng 80%-90% phụ nữ có những biểu hiện rối loạn chức năng toàn thân. Tôi thường gặp ở bệnh nhân Rối loạn thần kinh thực vật, suy nhược thần kinh có các Cơn bốc hoả lên mặt rất khó chịu và những rối loạn về tâm lý như dễ cáu gắt, căng thẳng, buồn chán, bồn chồn, lo lắng vô cớ, tim đập nhanh, có cơn hồi hộp, ra nhiều mồ hôi đặc biệt từ cổ trở lên nhất là về đêm, mất ngủ hay quên, đau đầu, chóng mặt, huyết áp tăng hoặc giảm, cảm giác chân tay tê hoặc kiến bò ngoài da. Khô miệng đắng miệng, khô mắt mỏi mắt, dễ bị bệnh tiết niệu và dạ dày.
Do nội tiết tố nữ giảm thiếu nên âm đạo khô, lúc này giao hợp đau, dễ bị loãng xương.
TRIỆU CHỨNG: Có 11 triệu chứng theo thang điểm của Blatt Kupperman.
- Bốc hoả có thể có vả mồ hôi
- Tính khí thất thường
- Mất ngủ
- Dễ bị kích động, bực tức vô cớ
- Chứng u sầu, lo lắng bất an.
- Chóng mặt
- Hồi hộp (tim đập nhanh)
- Tính yếu đuối và mệt mỏi
- Đau đầu
- Đau cơ xương khớp
- Cảm giác tê bì hoặc kiến bò ở da, máy cơ.
Có thể có các triệu chứng trên hoặc ít hơn tuỳ mức độ, để lại những ảnh hưởng đến trạng thái thần kinh, tinh thần, tâm lý người phụ nữ, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống. Có 10% trong các triệu chứng trên thì cần điều trị. Tỷ lệ phát bệnh cao ở người lao động trí óc hơn người lao động chân tay.
Việc điều trị bằng liệu pháp hormon thay thế có nhiều kết quả khả quan, tuy nhiên quá trình điều trị có nhiều tác dụng phụ như làm tăng nguy cơ ung thư vú, ung thư buồng trứng, nhồi máu cơ tim . Y học cổ truyền điều trị và mang lại những kết quả khả quan. Để góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống người phụ nữ tuổi mãn kinh.
NGUYÊN NHÂN:
Theo y học cổ truyền cho rằng phụ nữ bắt đầu suy từ tuổi 42: Da khô tóc bắt đầu bạc, chức năng tạng phủ bắt đầu suy yếu, âm dương mất cân bằng, ảnh hưởng đến sự hoạt động của các tạng phủ. Trong cơ thể ta, khí huyết luôn vận hành đều đặn mà đi nuôi cơ thể. Cơ quan tạng phủ nào mà huyết đến nuôi dưỡng, hoạt động điều hoà thì khoẻ mạnh, trái lại thì sinh bệnh.
Phụ nữ mãn kinh thì “can huyết hư”, dễ hiểu là máu trong gan và khu vực gan bị thiếu đi làm lượng máu đi nuôi dưỡng các cơ quan bên cạnh như dạ dày, ruột, đại tràng, mật, tim, tuyến tụy v.v cũng bị thiếu. Theo y học cổ truyền “Can tàng huyết, chủ về sơ tiết khí huyết” nghĩa là Gan là cơ quan chứa máu, và đẩy máu đi nuôi cơ thể. Huyết hải khô cạn nghĩa là Gan bị khô, máu kém không còn nhu nhuận để dưỡng gan nữa nên gan dần xơ cứng đi. Gan thiếu máu thì không còn đủ máu đi nuôi cơ thể nữa, nên bệnh phát sinh chủ yếu ở giai đoạn này.
Bệnh phụ nữ mãn kinh phát sinh theo tôi chủ yếu do Can huyết hư, dẫn đến thiếu máu đi nuôi các cơ quan bộ phận khác. Ví dụ như:
– Thiếu máu nuôi mắt thì mắt yếu mỏi khô rát
– Thiếu máu nuôi dạ dày thì dạ dày viêm đau
– Thiếu máu lên đỉnh đầu thì nặng đầu đau đầu
– Thiếu máu lên tim thì tim nhói, hồi hộp đánh trống ngực
– Thiếu máu nuôi ruột non đại tràng thì bệnh ruột kích thích, đại tràng
– Thiếu máu sơ tiết đởm (mật) thì dẫn đến đởm nhiệt đắng miệng, khô họng, sỏi mật.
– Thiếu máu nuôi cơ thì nhứt mỏi tê bì chân tay
– Nhiệt chảy xuống thận thì tiểu nóng, tiểu đỏ, viêm đường tiết niệu.
– Can bệnh lâu ngày, làm nước đầu nguồn của thận thủy giảm, mà thận chủ xương nên xuất hiện thêm các bệnh đau nhức xương khớp, thiếu hụt canxi v.v.
– Can lại giúp tỳ vị sơ tiết tiêu hóa thức ăn, can suy yếu nên chức năng chuyển hóa kém dẫn đến chán ăn, ăn uống lâu tiêu, đặc biệt là khi ăn thức ăn giàu đạm béo như các loại thịt heo, thịt bò, các món chiên xào nhiều dầu mỡ v.v. Nên phụ nữ tuổi mãn kinh, muốn khỏe mạnh sống thọ thì phải giảm tối đa thức ăn tạo áp lực cho gan, như thức ăn giàu đạm nhiều dầu mỡ, các loại bánh kẹo ngọt. Nên ăn thanh đạm, như cơm rau, cá nhỏ, giữ tinh thần vui vẻ, làm việc, vận động điều hòa cho khí huyết lưu thông.
THÀNH PHẦN: Đương quy tẩm rượu sao 10g, Bạch Thược tẩm rượu sao 12, Bạch Linh 12, Bạch truật sao cám 12g, Cam thảo 4g, Bạc Hà 6g, Sinh Khương lùi than 3 lát.
TÁC DỤNG: Sơ can giải uất, kiện tỳ, dưỡng huyết.
PHÂN TÍCH VỀ BÀI THUỐC TIÊU GIAO TÁN.
Can thuộc mộc là chỗ ở của sinh khí là nơi tàng trữ huyết, tính của nó thích điều đạt, cần phải có nước tưới nhuần, đất để bồi đắp vào, rồi sau mới tươi tốt được. Nếu thất tình làm thương tổn ở trong, lục dâm bó ở ngoài, xâm phạm vào làm cho mộc uất thì sinh lâm bệnh. Tiêu giao tán thuộc nhóm thuốc điều hoà can tỳ.
Bài này dùng
- Đương quy, Bạch thược để dưỡng huyết để thấm nhuận cho Can. Đương quy là thuốc bổ máu, làm tăng hồng cầu, mà lại giúp máu lưu thông nên nuôi dưỡng các cơ quan. Bạch thược giúp Can mềm nhuận khí sẽ không bốc lên gây hồi hộp, cao huyết áp, đau nặng đầu ở trên nữa.
- Bạch linh, Bạch Truật, Cam thảo bổ thổ để bồi đắp vào Gốc. Làm cho Đương quy và Bạch thược ở trên dễ hấp thu. Kiện tỳ hoà trung Chữa rối loạn tiêu hoá do tỳ hư: bụng sôi, dạ dày, đại tiện rối loạn. Giúp đường ruột được khô sạch.
- Sài hồ, Bạc hà, Gừng là những vị tân tán thăng bốc để thuận tính của Can, làm cho nó khỏi Uất. Ở đây Sài hồ chuyên sơ can, giải Uất, Thăng dương trọc âm tự giáng, tán nhiệt bốc lên ở các chứng mệt mỏi, đổ mồ hôi, bực tức, nóng mặt mà đã nói ở trên. Bạc hà tán nhiệt, giúp đương quy tăng thêm tác dụng hoà huyết, giúp Sài hồ tăng tác dụng khử nhiệt tà mà hoà giải hết uất trệ.
- Cam thảo ích khí sẽ điều hoà các vị thuốc giữ thuốc lại ở khu vực trung tiêu dạ dày, đường ruột.
Bài thuốc kết hợp lại có tác dụng sơ can giải uất, kiện tỳ hoà vinh dưỡng huyết.
Về nghiên cứu tác dụng theo YHHĐ thì.
– Đương quy, Bạch thược giúp tăng hồng huyết cầu, tăng lưu lượng máu đông mạch vành, tĩnh mạch chủ, làm giảm lực cản ngoại vi v.v
– Sài hồ, Đan bì, Hoàng cầm giúp giải nhiệt, hạ sốt, bảo vệ gan, diệt vi khuẩn HP, vi khuẩn đại tràng v.v
– Đẳng sâm, Bạch truật, bạch linh, Cam thảo giúp bảo vệ cơ quan tiêu hóa, chống loét, tăng hấp thu protein, tăng trương lực hồi tràng, tăng lợi khuẩn đường ruột, giúp giải độc, sáng da.
ỨNG DỤNG BÀI THUỐC TIÊU GIAO TÁN:
Bài thuốc Tiêu giao tán được tôi ứng dụng điều trị cho nhiều bệnh nhân rối loạn thần kinh thực vật, suy nhược thần kinh, lo âu trầm cảm. Tiêu giao có nghĩa là sự giải thoát. Tôi dùng tiêu giao mà trị được rất nhiều chứng bệnh. từ chứng ăn uống kém( áp lực công việc, học hành thi cử), mà ăn kém. cho đến rối loạn kinh nguyệt, rồi đau đầu mất ngủ. khi đã luận ra bệnh cơ có Can uất tỳ hư đều có thể dùng bài tiêu giao để chữa.
Triệu chứng rối loạn lo âu phổ biến thường gặp sẽ khiến người bệnh luôn trong tình trạng:
- Lo lắng, căng thẳng quá mức – Triệu chứng điển hình.
- Không giữ được bình tĩnh, đứng ngồi không yên.
- Suy giảm trí nhớ, mất khả năng tập trung.
- Luôn lo sợ không rõ nguyên nhân.
- Trạng thái mệt mỏi, đau mỏi, uể oải toàn thân.
- Tim đập nhanh, thở gấp, tay run, ra mồ hôi nhiều,…
- Rối loạn tiêu hóa, thay đổi khẩu vị
- Thường xuyên mất ngủ, liên tục buồn ngủ, cảm thấy thiếu ngủ.
- Hoài nghi về bản thân
Dùng cho người bị Can tỳ huyết hư, mỏi mệt, Ngũ tâm phiền nhiệt, người nóng, bốc hoả nhưng không phải sốt lúc nóng lúc lạnh, Cốt chưng triều nhiệt (đau nhức trong ống xương), cơ thể gầy yếu, ho đờm, họng khát miệng khô, người đổ mồ hôi, ăn uống kém, kinh nguyệt không đều, đau thần kinh liên sườn, vùng ngực đầy tức khó chịu, bụng dưới nặng, dạ dày đau, viêm tiết niệu, Can ảnh hưởng đến phế sinh ho. Viêm gan mãn, viêm Gan do Rượu
GIA GIẢM VÀ ĐIỀU TRỊ CÁC CHỨNG BỆNH KHÁC LIÊN QUAN.
Cái hay của bài thuốc này là gia giảm.
- Nếu kèm can khí nhiệt: Miệng khô, đắng miệng đại tiện táo hoặc lỏng, tiểu tiện vàng, lưỡi đỏ rêu vàng, má đỏ, huyết áp cao, đau đầu, tiểu vàng đậm, người nóng, nhói tim. gia chi tử (sao) 8g, đan bì 8g. gọi là bài Đơn chi tiêu giao tán. Đan bì để thanh can nhiệt, Chi tử để tả hoả ở tam tiêu
- Nhiệt khí này bốc lên tim, đầu, cổ nên mới nhói tim, đau đầu, cao huyết áp là do khí có thừa mà huyết ko đủ. Khô cổ, đắng miệng là can không sơ tiết đởm, đởm nhiệt bốc lên. (Thượng tiêu)
- Đại tiện lỏng, cảm giác nóng ở trong, sáng cổ có đàm là do phong nhiệt tính cấp + đàm thấp ở trường vị. (Trung tiêu)
- Tiểu vàng đậm là thấp nhiệt chảy xuống bàng quang thận (Hạ tiêu)
- Nếu can khí trệ gia trần bì 12g. Nếu can khí uất gia xuyên khung 8g, hương phụ 12g. Nếu can khí uất tích nhiệt gia ngô thù du 6g, hoàng liên 8g, bạc hà 6g để dẫn thuốc.
- Trường hợp Can uất huyết hư nhiều hơn: Gia thêm sinh địa hoặc thục địa gọi là bài Hắc tiêu giao tán.
- Nếu gần đến ngày hành kinh đau bụng, có sốt là huyết hư sinh nhiệt gia: Sinh địa.- Nếu không có sốt chỉ do huyết hư thì gia: Thục địa.